Liệu có nên giả vờ lên đỉnh?
Có một lời khuyên kinh điển được nhắc đến trong rất nhiều cuốn sách self-help: “Fake it until you make it”. Đại ý là, nếu bạn muốn điều tốt đẹp nào đó thành hiện thực, hãy “diễn” như thể nó đã xảy ra rồi.
Muốn tự tin? Ưỡn ngực, nhìn vào gương cười thật tươi. Muốn giàu? Bắt chước các thói quen của người giàu. Muốn giỏi tiếng Anh? Xem thật nhiều phim Mỹ và nhại lại giọng người bản xứ.
Đáng buồn thay, lời khuyên này không áp dụng cho những người muốn đạt cực khoái khi làm tình. Nếu muốn lên đỉnh, đừng diễn. Mất ba năm tôi mới lĩnh hội được bài học đó.
"Em đã ra chưa?"
Tháng thứ ba từ khi bắt đầu hẹn hò, chúng tôi ngủ với nhau lần đầu. Sau màn hôn và cởi đồ, anh đưa tay xuống nghịch tôi một lúc, rồi leo lên hì hục ở trên tôi. Được khoảng vài phút, anh hỏi, “Em đã ra chưa?”
“Ra cái gì? Ra đâu?” Tôi tự hỏi. Nhưng vì không muốn phá vỡ khoảnh khắc, tôi buột miệng, “Rồi ạ.”
Xong xuôi, tôi bốc điện thoại gọi đứa bạn thân để “cập nhật tình hình”, tiện thể hỏi về sự “ra”. Thì ra tình dục cũng giống như một câu chuyện: nó có phần mở đầu, cao trào, và thoái trào. “Ra” chính là đoạn cao trào, khi khoái cảm lên đến tột đỉnh.
Tôi đã không “ra” đêm đó. Đây là lời nói dối đầu tiên trong mối quan hệ của chúng tôi.
Liệu có nên giả vờ lên đỉnh?
Vấn đề là khi đã trót nói dối, bạn sẽ phải tiếp tục nói dối để bảo vệ lời nói dối đầu tiên. Thế là tôi tập cách rên, thở và giật cho thật thuyết phục.
Nhiều người cho rằng “ra” là phần sướng nhất, là "đích đến". Nhưng với tôi nó không phải phần quan trọng nhất.
Trên cả cực khoái, tình dục là khi tôi được ở gần-nhất-có-thể với người mình yêu. Nó là cơ hội để tôi ngắm nhìn anh hạnh phúc.
Và tôi tự nhủ, bằng cách giả vờ lên đỉnh, tôi đang bảo vệ cảm xúc và danh dự của Quang.
Nhìn lại, đó thật là một suy nghĩ ngớ ngẩn. Nếu thực sự đang làm một điều thiện lành thì tôi đã không cảm thấy tội lỗi đến thế.
Việc giả vờ lên đỉnh với người yêu cũng giống như khen thưởng một chú cún mỗi khi nó làm gì sai vậy. Nó sẽ tưởng đó là việc tốt, và ra sức làm để nhận lại lời khen của bạn. Càng lâu sau, bạn càng mất cơ hội “huấn luyện” lại chú cún đó.
Tôi tự hỏi có khi nào Quang biết tôi diễn nhưng không nói gì. Hoặc chính anh cũng đôi lần giả vờ.
Thứ bị tổn thương không chỉ là mối quan hệ giữa tôi và Quang, mà còn là mối quan hệ giữa tôi và tình dục. Dần dà, tôi bắt đầu tin rằng cực khoái không phải là thứ dành cho mình. Rằng tình dục là khi tôi phục vụ người yêu, và không có chiều ngược lại.
Đi leo núi một mình
Với một phép tính nhẩm đơn giản, tôi nhận ra mình đã giả vờ đạt cực khoái khoảng 300 lần.
Tôi cứ tưởng có mỗi mình xứng đáng nhận giải Oscar cho vai diễn này. Nhưng không. Khi trò chuyện với bạn bè và đồng nghiệp, tôi phát hiện ra rất nhiều người cũng diễn như mình, tuy vì những lý do khác nhau.
Có người, như tôi, muốn bảo vệ cái tôi của người yêu. Có người muốn bảo vệ cái tôi của chính họ - việc đạt khoái cảm chứng tỏ họ là người có kinh nghiệm tình trường. Có người coi việc giả vờ là phím tắt để kết thúc những lần làm tình không mấy thỏa mãn. Có người chẳng biết mình cần hoặc có thể đạt cực khoái - vì đâu ai dạy.
Bạn tin người yêu của mình đến đâu? Có đủ để hai bạn không phải giả vờ? Có đủ để bạn nhìn vào mắt họ và thú nhận?
Thật là một sự tiến hóa ngược đời: đến khi không có người yêu nữa, tôi mới bắt đầu các thử nghiệm “leo núi”. Tôi thử với tay mình, với gối, với đồ chơi tình dục, với dương vật của những người tôi biết mình sẽ không yêu.
Lần đầu lên đỉnh một mình, có gì đó trong tôi vỡ òa. Và tôi nằm tiếc hùi hụi. Thà nói thẳng để 300 lần đó chúng tôi đã thật-sự hạnh phúc bên nhau.