Giải mã tâm lý mặc cảm ngoại hình khi quan hệ
Cởi đồ trước mặt người khác đôi khi cảm giác như nhảy từ một vách núi.
Hồi còn thon thả, tôi từng rất bày vẽ khi làm tình: đèn vàng mờ không được rọi vào mắt, nến ba cây đặt vừa đủ xa giường để không bị đổ, nhưng không được quá xa đến mức không thấy nhau.
Bây giờ, tôi chỉ tắt đèn.
Sau khi mắc một hội chứng nội tiết, tôi tăng rất nhiều cân so với hồi trước. Rất nhiều. Tôi thậm chí không dám nhìn mình trong gương hay trong ảnh.
Sức công phá của tâm lý mặc cảm ngoại hình khi quan hệ
Tôi cứ nhớ mãi một đoạn trong bộ phim Grace and Frankie.
Grace là một phụ nữ 81 tuổi đang hẹn hò với Nick, thua bà gần 30 tuổi. Trước khi lên giường, Grace mang lên mình bao nhiêu tóc giả, mi giả, son môi, phấn mắt. Bà luôn thức dậy trước Nick, lén vào phòng tắm để trang điểm lại.
Mặc cảm tuổi tác khiến Grace không tin Nick yêu mình, dù Nick cố gắng đến mức nào đi chăng nữa. Khi cả hai quá mệt mỏi, họ chia tay.
Chi tiết này phản ánh một thực tế buồn: sự tự ti, khi không được giải quyết, có sức công phá rất lớn. Các nghiên cứu về sex education cho thấy mặc cảm ngoại hình khiến nhiều người từ chối tham gia vào đời sống tình dục, hoặc nếu có thì cũng không mấy viên mãn.
Ngoài việc cảm thấy vui vẻ xinh đẹp, những người tự tin có nhiều lợi thế hơn họ tưởng.
Một nghiên cứu tại Đại học Guelph cho thấy những người tự tin đạt cực khoái nhiều hơn khi làm tình. Một nghiên cứu khác tại Đại học Princeton kết luận rằng nhận thức tích cực về ngoại hình (body positivity) là lá chắn bảo vệ phụ nữ khỏi những trải nghiệm tình dục tiêu cực. Ví dụ, họ tin mình xứng đáng được trân trọng nên dễ dàng rời bỏ những bạn tình có xu hướng bạo hành.
Tâm lý mặc cảm ngoại hình không tự nhiên sinh ra và mất đi
Nhận thức của một người về ngoại hình của họ (body image) không “tự nhiên mà có”. Nó được nhào nặn bởi hàng loạt các trải nghiệm liên quan đến văn hóa, gia đình và bạn bè.
Đôi khi, cơ thể bạn không giống những hình mẫu đại chúng, và những người như bạn chẳng bao giờ xuất hiện trên truyền thông - kể cả porn.
Ai cũng có thể dễ dàng tưởng tượng được một celeb làm tình thì trông như thế nào. Nhưng rất khó để hình dung ra đời sống tình dục của những người khuyết tật, người mập, người trầm cảm, người cao tuổi, hay người chuyển giới.
Có thể bạn từng hứng chịu những lời chê vô thưởng vô phạt từ văn hóa miệt thị ngoại hình ở Việt Nam. Hoặc có thể, bạn khá ưa nhìn nhưng mắc body dysmorphic disorder, một rối loạn tâm lý khiến con người có cái nhìn méo mó về cơ thể của mình.
Cởi đồ trên vách núi
Các nhà khoa học phát hiện ra nỗi đau khi bị từ chối khiến não bộ phản ứng rất giống với khi bị gãy tay. Nếu bạn thấy nỗi sợ trước khi cởi đồ sao mà to lớn quá, thì đó là vì nó có thật.
Cởi đồ trước mặt người khác đôi khi cảm giác như nhảy từ một vách núi. Nếu bạn biết sau lưng mình có dù (sự tự tin), hoặc bên dưới có nệm đỡ (một người thương và chấp nhận bạn), thì cú nhảy đỡ sợ hơn rất nhiều.
Và đôi khi phải nhảy rồi mới biết bên dưới có gì.
Làm gì để tránh tâm lý mặc cảm ngoại hình?
Nếu bạn từng yêu một người có tâm lý mặc cảm ngoại hình, hoặc bạn chính là họ, bạn sẽ dễ dàng nhận ra một điều: những câu kiểu “em đẹp mà”, “hãy tự tin lên”, hay “đi tập gym đi” thường không có tác dụng.
Nghiên cứu này sẽ khuyên bạn đi gặp bác sĩ tâm lý để được trị liệu, bài báo kia sẽ khuyên bạn luyện tập chánh niệm. Vài người “tốt bụng” sẽ nói với bạn rằng những sợi lông ở vùng kín là hết sức bất thường và kinh tởm nên hãy sử dụng dịch vụ làm đẹp của họ.
Nhưng tôi thấy thật khó để vượt qua tự ti một mình, và không gì hiệu quả bằng việc yêu một người thông thái.
Người mặc cảm yêu người mặc kệ
Hãy nhận thức về ngoại hình lành mạnh: sức khỏe là thước đo đáng quan tâm nhất, sau đó là niềm vui, rồi sau đó mới là vẻ đẹp.
Tôi có hết mặc cảm ngoại hình luôn không? Đương nhiên là không. Nhưng tôi sẽ bớt lo lắng mỗi lần làm tình và dũng cảm đối diện với những giới hạn của mình hơn.
Tôi bắt đầu chấp nhận rằng có những tư thế chúng tôi không làm được lâu vì cơ thể tôi không cho phép.
Càng chấp nhận nó, tôi càng dễ dàng bỏ qua nó để tập trung vào điều quan trọng hơn: tôi và đối tác.
Có những người biết mình đẹp nên tự tin. Có những người thấy mình vẫn chưa đủ đẹp nên tự ti. May thay, còn có những người biết mình không hoàn hảo nhưng vẫn đủng đỉnh vui sống.
Hãy thử các môn thể thao như: bơi, bóng rổ, chạy bộ,... Nó sẽ giúp bạn "giải phóng năng lượng", giúp bạn thêm niềm vui mỗi ngày, cũng như bồi đắp sự tự tin, hoạt bát, vui vẻ.
Hãy giải phóng suy nghĩ mặc cảm ngoại hình
Khi bạn thoải mái trong cơ thể mình, ánh sáng được giải phóng khỏi một trọng trách nặng nề. Nó không phải một công cụ che giấu nữa, mà chỉ đơn thuần là để tạo không khí cho cuộc mây mưa.
Mức độ sáng nào cũng có cái “vui” của nó. Trong tối, chúng ta trải qua trải qua cảm giác hồi hộp thích thú, không biết đâu là điểm sắp được kích thích.
Trong sáng, chúng ta hưởng trọn ánh mắt và bóng hình của nhau - giống như xem porn nhưng được trở thành nhân vật. Ánh sáng cũng giúp nhiều “thủ tục” trôi chảy hơn, như đeo bao cao su, thâm nhập, hay quan sát phản ứng của bạn tình.
Thay đổi ánh sáng là cách mà nhiều cặp đôi dùng để làm mới đời sống tình dục của mình. Sau khi chán nến và đèn vàng, tôi “giao đề bài” cho anh bạn thân: em muốn một thứ ánh sáng gây bất ngờ.
Thú thật là set up của căn phòng hôm đó hơi sến với tôi. Nhưng vì người con trai ấy đã rất cố gắng, tôi lại thấy nó dễ thương đến lạ!